Theo đó, trên mạng xã hội Telegram đã xuất hiện nhiều hội nhóm với chủ đề mua bán các clip từ việc hack camera của các gia đình tại Việt Nam. Các nhóm này luôn thu hút đông đảo số lượng lớn các thành viên tham gia.
“Để đáp ứng nhu cầu của anh em, hiện bên mình có nhóm với hơn 400 QR Cam và còn cập nhật thường xuyên với giá cả hợp lý. Phần mềm bên mình quét liên tục từ nam ra bắc, mọi ngóc ngách. Từ nhà vệ sinh, ghế sofa, phòng ngủ, phòng tắm, phòng khách, khách sạn…”, một nhóm trên mạng xã hội này giới thiệu.
Để vào được các tài khoản trên, người dùng sẽ được yêu cầu đóng khoản phí rồi nhận về các mã code phục vụ cho việc xem clip.
Mức phí được đóng theo từng bậc: 350 nghìn đồng/3 tháng, 600 nghìn đồng/6 tháng và 800 nghìn đồng được sử dụng vĩnh viễn. Số tiền thanh toán được các đối tượng quy đổi thành thẻ nạp điện thoại hoặc chuyển khoản vào một tài khoản ngân hàng.
Sau khi chuyển tiền, người dùng sẽ được tài khoản rao bán thêm vào 1 nhóm riêng tư có tên “nhóm Vip hack camera”.
Qua tìm hiểu, trong nhóm này đã được đăng tải hơn 300 mã code. Các thành viên cũng được hướng dẫn lưu các mã code trên về máy và tải ứng dụng Hik-Connect để quét các mã code sau đó xem trực tiếp camera được hack từ các gia đình.
Để phòng trường hợp bị hack camera, chuyên gia khuyến cáo nười dùng nên đầu tư và sử dụng camera có thương hiệu uy tín, bởi những loại giá rẻ thường tiềm ẩn nguy cơ cao bị trích xuất dữ liệu.
Sau đó, người dùng cần thường xuyên cập nhật firmware (phần mềm cơ bản) mới nhất chính hãng cho camera để vá các lỗ hổng bảo mật, bật chế độ bảo vệ 2 lớp 2FA đối với tài khoản quản trị camera, đặt mật khẩu truy cập và bật chế độ mã hóa dữ liệu AES đối với video mà camera ghi lại.
Khi cần sự riêng tư, gia đình bạn nên ngắt nguồn điện của camera khu vực đó hoặc dùng vật dụng màu đen che kín mắt camera để đảm bảo chống hacker tuyệt đối.