Vietstock – Nhu cầu nhập khẩu xoài của Trung Quốc tăng cao, doanh nghiệp Việt không nên bỏ lỡ
Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu xoài Việt Nam rất lớn, nhưng thông tin về doanh nghiệp Việt Nam hạn chế, liên hệ rất khó. Khi liên hệ được thì phản hồi thông tin về doanh nghiệp, sản phẩm… rất chậm, mất cả tuần, thậm chí 10 ngày mới cung cấp được… như vậy cơ hội xuất khẩu sẽ mất…
Trung Quốc nhập 80% xoài từ Việt Nam. |
Theo số liệu từ Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), tổng diện tích trồng xoài trên cả nước là 87 nghìn ha, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 48%. Năm 2021 kim ngạch xuất khẩu xoài của Việt Nam đạt hơn 180 triệu USD, chiếm hơn 1% tổng xuất khẩu xoài của thế giới. Xoài Việt Nam xuất chủ yếu sang Trung Quốc, chiếm gần 84% tổng kim ngạch xuất khẩu xoài của cả nước.
TRUNG QUỐC GIA TĂNG NHẬP KHẨU XOÀI TỪ VIỆT NAM
Tại toạ đàm “Xuất khẩu xoài sang thị trường Trung Quốc”, ngày 31/8, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quản Việt Nam cho biết, Trung Quốc là nước sản xuất xoài lớn thứ 2 thế giới, chiếm khoảng 8,75% tổng sản lượng của thế giới.
Năm 2020, diện tích trồng xoài của Trung Quốc đạt 349 nghìn ha, với tổng sản lượng 3,306 triệu tấn. Song nước này cũng là nước nhập khẩu lớn xoài và sản phẩm từ xoài.
Xoài Trung Quốc nhập khẩu chủ yếu từ Thái Lan, Đài Loan, Việt Nam, Australia, Peru. 5 quốc gia này chiếm hơn 90% tổng lượng xoài nhập khẩu của Trung Quốc. Nhưng những năm gần đây, xu hướng nhập khẩu xoài từ Việt Nam tăng đáng kể.
Ngoài nhập khẩu xoài tươi, lượng nước ép xoài nhập khẩu của Trung Quốc lớn hơn nhiều so với lượng xuất khẩu của nước này.
Theo thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc, năm 2020 Trung Quốc nhập khẩu 84 nghìn tấn xoài tươi, 80% con số này đều từ Việt Nam. Hiện 2/3 sản phẩm xoài tươi trên thị trường Trung Quốc là nhập khẩu từ Việt Nam.
Cũng theo ông Nguyên, sản lượng xoài Việt Nam đứng thứ 13 trên thế giới. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 diện tích trồng xoài của Việt Nam đạt 140.000 ha, sản lượng đạt 1,5 triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt 650 triệu USD (năm 2030), với thị trường xuất khẩu chính vẫn là Trung Quốc, bên cạnh đó là Mỹ, EU, Nhật, Hàn, Australia…
Xoài Việt Nam thu hoạch quanh năm, nhưng nhiều nhất là các tháng 12,1,2,3,4,5 hàng năm. Các giống xoài xuất khẩu đi Trung Quốc là xoài tượng, xoài keo, xoài Đài Loan…
Năm 2021 kim ngạch xuất khẩu xoài của Việt Nam đạt 258.274 triệu USD. 5 tháng 2022, xuất khẩu mới được 77 triệu USD, song ông Nguyên lo lắng, khả năng kim ngạch xuất khẩu xoài năm nay giảm mạnh do Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ về Covid-19, nhiều xe xoài bị ứ đọng ở biên giới, thông thương chậm. Cộng thêm, năm 2022 Trung Quốc ký Nghị định thư cho xoài Campuchia được xuất khẩu sang thị trường này.
Theo ông Diêu Lâm, Giám đốc dự án xoài, Công ty hữu hạn hoa quả Run Jia Trung Khánh, Trung Quốc không chỉ sản xuất xoài lớn mà tiêu thụ cũng nhiều. Trung Quốc tiêu thụ 2,4 triệu tấn xoài tăng 11,78% so với cùng kỳ năm ngoái.
Từ năm 2020, cùng với việc ký kết hiệp định RCEP và ảnh hưởng của dịch bệnh, nhập khẩu xoài của Trung Quốc đã tăng lên 84 nghìn tấn. Xoài nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 79,84% tổng lượng xoài nhập khẩu của Trung Quốc.
CHÚ TRỌNG CHẤT LƯỢNG, CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN
Mặc dù vậy, để tăng lượng xoài xuất khẩu sang Trung Quốc, bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng các cơ sở sản xuất xoài của Việt Nam phải tính tới phát triển theo chuỗi gía trị sản phẩm, từ sản xuất, thu mua, sơ chế, đóng gói, bảo quản…
Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuất khẩu phải đáp ứng được các quy định của thị trường Trung Quốc. Giá trị sản phẩm cần có sự trao đổi giữa nhà sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia phát triển chuỗi giá trị xoài với các cơ quan thương mại, doanh nghiệp tham gia giao dịch quốc tế Việt Nam để tìm hiểu thị trường xuất khẩu.
Đồng thời, hướng dẫn, phổ biến thực thi tốt các quy định về kiểm dịch thực vật, kiểm soát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, quy định về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, truy xuất nguồn gốc… đến các địa phương, các hợp tác xã, cơ sở đóng gói.
Ông Diêu Lâm bổ sung, yêu cầu với các sản phẩm trái cây nhập khẩu là phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định phòng chống dịch bệnh cao. Trung Quốc sẽ tăng cường quản lý an toàn thực phẩm và các hoạt động xuất nhập khẩu. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu vào Trung Quốc phải tuân thủ các quy định mới này.
Đại diện doanh nghiệp Trung Quốc cũng cho biết thêm, trong 2 năm qua mẫu mã xoài Việt Nam kém đi nhiều có thể do vận chuyển, thời gian trữ lạnh lâu nên sản phẩm bị xuống mã, bị úng, thối, nên việc bán tươi không được nhiều. Doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vận chuyển thông suốt, nhanh chóng, quá trình vận chuyển phải kiểm soát được nhiệt độ phù hợp đảm bảo xoài tươi, mẫu mã đẹp.
Ngoài ra, ông Diêu Lâm cho rằng hiện nay việc nhập khẩu xoài từ Việt Nam vẫn thông qua các đại lý tại cửa khẩu vì thế có một số hạn chế, ông Lâm mong muốn hợp tác trực tiếp với các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Vũ Tiến Hùng, Trưởng Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu (Trung Quốc) cũng đưa ra những bất cập cần khắc phục. Ông cho biết những nhà nhập khẩu lớn đều có chân rết, người của họ ăn nằm bên Việt Nam để giám sát chất lượng, cập nhật thông tin về giá cả.
Vì vậy, doanh nghiệp trong nước cần có sự phối hợp, hài hoà. Các doanh nghiệp cần kết nối với nhau, cùng sang tận chợ đầu mối nhập khẩu phía Trung Quốc xem nhu cầu là gì, yêu cầu chất lượng của họ thế nào để có những giao dịch hiệu quả.
Tiền Giang là một trong những vựa trái cây của Việt Nam nhưng ông Hùng cho rằng điểm trừ là chưa có thương hiệu lớn nào về trái cây để mang thương hiệu đó ra xúc tiến, giới thiệu làm lợi thế cho những nhập khẩu thấy mong muốn được nhập về.
Hơn nữa, ông Hùng chia sẻ, đã nhiều lần hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đàm phán với nhà nhập khẩu Trung Quốc, nhưng có một số vấn đề mà họ hỏi nhưng doanh nghiệp Việt Nam không trả lời được. Như bên cạnh việc phải đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của nhà nhập khẩu, thì việc vận chuyển cũng ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm.
“Tuy nhiên, cơ chế phối hợp xử lý vấn đề này như thế nào chưa được doanh nghiệp quan tâm. Doanh nghiệp Việt Nam cho rằng đã đạt tiêu chuẩn và xuất hàng đi thì không còn trách nhiệm nữa. Điều này khiến sự hợp tác lâu dài giữa hai bên sẽ không còn”, ông Hùng lưu ý.
Ngoài ra, ngày nay tại các trung tâm, chợ đầu mối nhập khẩu của Trung Quốc giao dịch khác rất nhiều. Không còn là mua hàng – trả tiền, mua đứt- bán đoạn như trước kia mà uỷ thác bán hàng, hợp tác nhà cung cấp làm đại lý hoặc tổng đại lý. Như vậy, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tìm hiểu kỹ để xây dựng cho mình cơ chế hợp tác phù hợp, hiệu quả.
Đặc biệt, một vấn đề cần tháo gỡ ngay, ông Hùng chia sẻ, thông tin về doanh nghiệp trong nước tới Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu chưa nhiều, khi đối tác có nhu cầu nhưng liên hệ về Việt Nam rất khó. Khi liên hệ được thì phản hồi thông tin về doanh nghiệp, sản phẩm… rất chậm, mất hàng tuần, thậm chí 10 ngày mới cung cấp được… như vậy sẽ mất cơ hội xuất khẩu.
Vũ Khuê